Giàn giáo hay dàn giáo – giàn giụa hay dàn dụa? |
Giàn giáo hay là dàn giáo – viết như thế nào cho đúng nhỉ?
Trong khi viết chính tả chữ đẹp hoặc viết thư tình cho người yêu, các bạn trẻ thường hay bị mắc sai lỗi hoặc nhầm lẫn giữa “gi” và “d” – không biết khi nào thì dùng “d” còn khi nào thì sử dụng “gi”.
Trong đó, một số trường hợp thường gặp là khi đụng phải những từ ghép hoặc từ láy như nên viết là “giàn giáo” hay “dàn giáo”, hoặc “giàn dụa” hay “dàn dụa”?
Các bạn viết sai có thể là do vô tình nhưng ngay cả nhiều khi rất ý thức về chính tả, nhiều bạn cũng băn khoăn tự hỏi nên viết thế nào đúng nhất?
Hôm nay, Văn Nguyễn xin nói ngắn gọn lại như sau:
“Gi” hay “d”?
Trước hết là về từ “giàn giáo” và “dàn giáo” – thực ra có thể viết tới 4 biến thể khác nhau, gồm:
1. Giàn giáo
2. Giàn dáo
3. Dàn giáo
4. Dàn dáo
Để viết đúng và dễ hiểu dễ nhớ, trước hết các bạn cứ tìm hiểu riêng từng từ thế này:
- "Giàn" thường được sử dụng khi chỉ về một sự vật, cụ thể như cái giàn hoa thiên lý, giàn bầu, giàn bí, giàn khoan... và rất nhiều từ nữa. Về mặt hình thức, theo Văn Nguyễn thì từ “giàn” còn mang tính tượng hình (mặc dù chữ Việt không có tính tượng hình – nhưng nó giống như cái giàn cây leo từ dưới lên và ở phía trên là bằng. Nếu có thể viết theo kiểu thư pháp thì có thể vẽ chữ “giàn” như một cái giàn dây leo vậy).
- Trong khi “dàn” lại có nghĩa như dàn hàng ngang, dàn trải, san ra…
Nếu bạn viết “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” là sai. Viết đúng phải dùng chữ “giàn”.
Nhưng trở lại từ “giàn giáo” thì đây là từ chỉ một hệ thống cột và các kèo, sào… để làm phương tiện cho thợ xây dựng đứng và đi lại khi xây nhà cửa, công trình lên cao. Có lẽ vì vậy mà người ta cũng sử dụng chữ "gi" để viết thành "giàn giáo" chứ không viết là "dàn dáo".
Theo Văn Nguyễn, nên viết là “giàn giáo” hoặc “giàn dáo” (nghiêng về chữ giàn dáo hoặc có nơi nói "giàn ráo" - có lẽ từ cổ là giàn ráo- hơn).
Nói thêm:
- Chữ “giáo” nếu đứng riêng như thế này thì có nghĩa là giáo dục, giáo án, giáo trình... và chỉ nên dùng chữ “gi”. Nếu viết "dáo giục" thì sai hoàn toàn. Đọc thêm bài: "Giục hay dục" để hiểu thêm về chữ "d" và "gi".
- Còn “dáo” đứng riêng có nghĩa là dáo mác. Cũng có người viết “giáo mác” đều được nhưng nếu xét về “tính tượng hình” như trên thì chữ “d” có vẻ giống cái dáo nhọn để đâm xiên hơn – chữ viết cao hơn (điều này có mỗi Văn Nguyễn nói, chưa ở đâu nói cả).
- Có thể viết như thế này: "Bên dưới hoặc phía trước là một giàn dáo mác tua tủa"...
Giàn giụa hay dàn dụa?
Còn về 2 chữ “giàn giụa” hay “dàn dụa” thì đây là một từ láy và thực ra có âm nghe như nhau nên có thể các bạn viết thế nào cũng được, nhưng theo thói quen từ xưa tới nay, mọi người thường viết là “giàn giụa” nhìn quen mắt hơn.
Tại sao lại cần học và kiểm tra các lỗi chính tả? Các bạn cần phải viết cho thật đúng để làm đẹp hơn trong mắt của người yêu nhé. Nếu bạn viết ngọng hoặc liên tục bị sai lỗi thì (có thể) người yêu sẽ đánh thấp điểm bạn đấy.
Cùng wapkhampha học chính tả tiếng Việt. Nếu bạn cần hỏi bất cứ từ nào, cứ để lại comment bên dưới, sẽ có hồi âm sớm nhất cho bạn. Cũng là chữ "d" và "gi" bạn có thể tham khảo thêm khi nào viết "dành" khi nào viết "giành" ở đây.
Cùng Chuyên Mục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét